Khi truyện cổ tích bị từ chối

TT – Làm thế nào dung hòa được sở thích đọc sách của con và của cha mẹ? Nhà văn Ðặng Nguyễn Ðông Vy đã chia sẻ câu trả lời bằng câu chuyện giữa mình và con trai.

​Khi truyện cổ tích bị từ chối!
Nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy – Ảnh nhân vật cung cấp

Khi được hỏi làm thế nào để trẻ em có thể trở nên thông minh, Albert Einstein trả lời: “Nếu muốn con bạn thông minh, hãy đọc truyện cổ tích cho chúng nghe. Nếu muốn con bạn thông minh hơn, hãy đọc cho chúng nghe nhiều truyện cổ tích hơn nữa”. Là một người mẹ, hiển nhiên tôi muốn con mình thông minh.

Vấn đề là con trai tôi không còn hứng thú với truyện cổ tích.

Một thế hệ độc giả khác

Truyện cổ Andersen là một trong những cuốn sách đầu tiên tôi đọc và cũng là một trong những cuốn sách yêu thích nhất tuổi thơ tôi. Tới giờ tôi vẫn nhớ rõ những chiều mưa lạnh lẽo nằm quấn trong chăn ấm chìm vào thế giới mộng mơ của văn hào Andersen: Cô bé bán diêm, Bà chúa Tuyết…

Vậy mà khi tôi giở cuốn truyện tuyệt vời đó – những trang giấy đã ố vàng mà tôi giữ bên mình suốt gần 30 năm cho mục đích trên – để đọc cho con trai nghe, thằng bé đã quầy quậy từ chối chỉ sau vài trang: “Mẹ ơi, đọc cuốn khác đi!”.

May là tôi vượt qua được nỗi thất vọng và nhận ra rằng trẻ con ngày nay tiếp cận thông tin theo cách khác nên chúng tưởng tượng, khám phá thế giới, tìm hiểu cuộc sống theo cách khác tôi ngày xưa. Những trang sách dày đặc chữ từng là thế giới giải trí duy nhất của thế hệ tôi. Còn bây giờ, không thể chối cãi rằng hai đứa con 5 và 10 tuổi của tôi bị mê hoặc bởi phim hoạt hình và máy tính bảng, có đọc thì cũng đọc sách điện tử.

Những đứa trẻ của thế hệ hôm nay không phải chúng rời bỏ sách, mà chúng thuộc một thế hệ độc giả khác – khác về hình thức lẫn thể loại với cha mẹ chúng.

Tôi thừa hưởng sở thích đọc sách từ cha. Một trong những kỷ niệm đẹp nhất thời thơ ấu của tôi là lần ông dắt tôi vào một nhà sách ở Nha Trang và mua cho tôi mấy cuốn Lucky Luke.

Cha tôi học dở dang ngành triết ở ÐH, và khi tôi sinh ra ông đã là nông dân – một nông dân ưa đọc sách.

Những khi không làm việc ông tìm đến việc đọc. Và tình yêu sách đó ngấm vào lũ con tự nhiên như hơi thở.

Ðiều đáng nói hơn, mặc dù mẹ tôi – một cô giáo cấp I – tỏ ra rất lo lắng về vài cuốn sách của tôi, cha vẫn cho phép tôi đọc thoải mái.

Nhớ những năm tháng còn là cô thiếu nữ 12, 13 tuổi tôi thường được mẹ mua cho những cuốn sách dễ thương hợp lứa tuổi trong tủ sách Áo Trắng của nhà văn Mường Mán, Ðinh Tiến Luyện, Ðoàn Thạch Biền, Nguyễn Nhật Ánh…

Tuy nhiên, với sự “đồng lõa” của cha, tôi đã “xử” hết rất nhiều cuốn sách khá “nặng nề” so với lứa tuổi như Tội ác và hình phạt, Những người khốn khổ, Ðỉnh gió hú cho đến Trăm năm cô đơn.

Tôi thậm chí đọc Anh em nhà Karamazov cho tới Lục mạch thần kiếm từ trước đó rất lâu rồi.

Bây giờ khi trở thành một người mẹ, đã có lúc tôi băn khoăn: tôi nên xử sự với chuyện đọc sách của con theo cách của cha hay của mẹ tôi?

Tôi rất muốn học theo tính cách phóng khoáng của cha để con mình tận hưởng thế giới sách rộng lớn càng sớm, càng nhiều càng tốt; nhưng đồng thời phải nhìn nhận rằng vì đọc những tác phẩm lớn khi tuổi còn quá nhỏ, tôi hầu như chưa đủ sâu sắc để hiểu sách.

Chính vì vậy, tôi quyết định mình sẽ giới thiệu cho con những cuốn sách phù hợp lứa tuổi và sở thích, thay vì sớm đặt vào tay chúng các tác phẩm uyên thâm nhưng vượt quá tầm – chỉ vì mong có được một đứa con thông thái.

Đồng hành cùng con cả sau trang sách

Có lẽ bậc cha mẹ nào cũng ý thức được lợi ích của sách đối với sự phát triển tâm hồn và trí tuệ của con, thậm chí không cần đến các thống kê chính thức hay những nghiên cứu tương tự như What reading does for the mind (tạm dịch: Những điều mà việc đọc giúp cho trí óc) của Anne E. Cunningham.

Nhưng làm cách nào để khiến con xem sách như một người bạn? Làm thế nào để con thật sự tìm thấy ở sách niềm vui? Làm thế nào để con biết tự tìm kiếm sách theo nhu cầu của mình không phải chỉ trong thời ấu thơ mà suốt đường đời của chúng?

Sau mười năm làm mẹ, tôi nhận ra để đồng hành cùng con trên hành trình đến với sách, không đơn giản chỉ là đi nhà sách và chọn sách cho con vào mỗi cuối tuần. Cũng không đơn giản là đọc duyệt qua tất cả những cuốn sách mà con đọc. Hành trình thật sự sẽ tốn thời gian và sự quan tâm gấp nhiều lần hơn thế.

Thường thì sau khi đọc xong một cuốn sách, cả hai đứa con của tôi đều có nhu cầu kể lại câu chuyện cho mẹ nghe những điều con thích thú hoặc khiến con ngạc nhiên. Chúng sẽ nói rất nhiều và hỏi rất nhiều. Và tôi thường phải rất kiên nhẫn, cố gắng để có thể lắng nghe và trả lời hết những điều đó mà không bực mình cắt ngang hoặc xua chúng đi nơi khác.

Thật vậy, có thể nói vai trò quan trọng nhất của những người cha người mẹ dường như không phải chỉ ở giai đoạn trước khi cuốn sách được đọc, mà là sau đó: nếu không có sự chia sẻ, gợi mở từ cha mẹ thì những kiến thức hay lợi ích con trẻ nhận được từ sách sẽ rất mơ hồ, hoặc là việc đọc khi ấy chỉ mang tính giải trí đơn thuần mà thôi.

Thế nên tôi nghĩ đọc sách cùng con không hẳn là đọc cùng cuốn sách với con, mà là phải lắng nghe và chia sẻ cùng con về thế giới rộng lớn sách đã mở ra. Ðó là một hành trình dài và không ngừng nghỉ.

Nhà văn ÐẶNG NGUYỄN ÐÔNG VY (trưởng ban biên tập Cẩm nang Kilala)